Khơi Nhịp Mùa Xuân

12/09/2019

Từng bước chân len nhẹ ra phi trường Singapore trở về Việt Nam, tiếp tục những Phật sự còn chờ đợi. Nhưng trong trái tim của các thành viên trong Ban tổ chức chắc hẳn ít nhiều vẫn còn đọng lại những dấu ấn và tình cảm đặc biệt thân thương đối với thân phận của người Việt xa quê.

Những khó khăn, may rủi, éo le của cuộc đời luôn chồng chất trên đôi vai bé nhỏ của những cô gái xa quê, những món tiền hàng tháng phải lao tâm, vất vả nơi đất khách quê người để có những đồng tiền tháng ngày dành dụm để gửi về nuôi cha mẹ già, nuôi em ăn học, bao gánh nặng, bao lo toan….còn đó. Biết tỏa bày cùng ai và biết ai sẽ lắng nghe tâm sự của mình như một người bạn chân thành để xoa dịu nỗi đau cuộc đời, sự lo toan cơm gạo.

Nhận thấy những trắc ẩn trong nội tâm và số phận của thân phận những con người tha phương cầu thực; chương trình “Vui Tết Xa Quê” lần 4 được tổ chức tại chùa Nanyanyg Pho Leng Hui Kuan như một ngày hội của niềm tin và chỗ dựa tinh thần của mái nhà chung đạo tràng Sen Vàng. Chính Đại đức Thích Thiện Mỹ, Phó Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế đã khơi nguồn và thành lập cách đây trên 5 năm tại Singapore – đạo tràng sen vàng.

Trong ngày hội lần này, các đồng hương đang sinh sống, làm việc và học tập tại Singapore còn được lắng nghe những lời pháp từ Thượng tọa giảng sư Thích Thiện Thuận, Phó Trưởng ban Thanh Thiếu Niên Hướng dẫn Phật tử Trung Ương GHPGVN như khơi nhịp yêu thương, tiếng nói tận đáy lòng mà bấy lâu có sự dồn nén khó thể phân bày “ lặn lội thân cò trên quãng vắng, eo xèo mặt nước buổi đò đông” và thân phận của những cô gái đi làm xa quê “dặm hồng bụi cuốn chinh an” ….từng giọt nước mắt rơi trên má thắm, môi hồng của người nghe Pháp như trút được những tâm tư nỗi lòng, những điều sâu thẳm khó nói còn uẩn ức trong tâm thảm.

Hay sự sách tấn vượt qua khó khăn, nỗi nhớ xa quê và vượt qua chông gai cuộc đời, tiến bước về phía trước, phải có niềm tin trong cuộc sống từ Thượng tọa Thích Hạnh Bảo, Ủy viên BCH Hội đồng Tăng già thế giới, đến từ Hà Lan. Khoảng 30 năm sống xa quê và giờ là Trụ trì của hai chùa tại Châu Âu, Thầy đã vượt qua biết bao trắc trở để đạt được những thành tựu và vẫn an nhiên trước nhiều biến đổi, thay đổi của cuộc đời. Mỗi một lời Pháp chia sẻ là một bài học kinh nghiệm cho từng vị lắng nghe; Ban tổ chức còn trả lời câu hỏi thắc mắc của quý Phật tử để giúp quý vị giải tỏa bức xức và tìm lại sự an lạc trong đời sống. Và cuối cùng là chương trình quy y Tam Bảo tạo nền tảng cho Phật tử bước vào Đạo và hiểu rõ lợi ích 5 giới cấm thực hiện để được nhiều lợi lạc và tránh những điều sai phạm từ trước giờ.

Và có lẽ, trong buổi hội tựu này có khoảng 400 người tham dự (chiếm số đông là nữ giới) cùng hội tựu về chơi những trò dân gian và được nghe giọng hát ngọt ngào giàu sắc xuân từ ca sĩ Trương Đan Huy, Sỹ Luân…. và ăn bánh mứt, buffet chay với những món ăn mang đầy hương vị Việt Nam như bánh tét, gỏi cuốn chay, cà ri, bánh tráng trộn….mà những miếng mứt gừng do chính tay các quý Sư cô làm, do Sư cô Liên Hiền, Trưởng Ban Hướng thiện Đạo Làm Con Unesco Việt Nam mang từ Việt Nam qua làm quà tặng với lời nhắn nhủ của một tinh thần đoàn kết, nồng nàn, thương yêu hòa cùng dòng chảy của “gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau” và truyền thống thương yêu của “bầu và bí chung một giàn”. Trong ngày hội ấy, trong chiếc áo đỏ thẩm mang màu sắc quê hương đến từ Đại Sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam tại Singapore- Bà Tào Thị Thanh Hương có những lời tri ân cũng như chúc sức khỏe, hân hoan trước sự thành công buổi lễ và sự gắng công thành lập chùa Sen vàng- đạo tràng Sen vàng của Việt Nam là những đặc trưng cho cộng đồng người Việt. Ngoài ra, buổi lễ còn có Phó Đại Sứ Đinh Hoàng Linh và gia đình cùng tham dự.

Chính một ngày vui ấy là một ngày an lạc, một ngày hội của sự khát khao mong đợi bao người, được khóc khi tâm trạng bộc bạch, được cười vì những niềm vui, được gần gũi và hiểu nhau hơn vì cuộc đời ai sống cũng cần có bạn. Và hơn hết được trở về tựa nương Tam Bảo mà Tăng là đoàn thể đẹp luôn chia sẻ những giáo pháp, lời dạy của Đức Phật để Phật tử nhận diện ra những khổ đau của cuộc đời, hiểu sâu về nhân quả, để tránh những điều xấu ác, phát triển hạnh lành, để kham nhẫn, vượt qua khó khăn mà tâm hồn luôn an vui và hạnh phúc. Và trong không khí vui xuân ấy, tác giả bài viết chợt nhớ câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du có thể xem là nhà nghiên cứu Phật học rất sâu sắc. Đoạn thơ cảnh xuân trong Truyện Kiều- Nguyễn Du như một niềm tự hào dân tộc, hòa quyện vào hương sắc Việt Nam:

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

Một số hình ảnh ghi nhận trong chuyến hoằng pháp tại Singapore:

Liên Hiền-Trịnh Thắm

Thiết kế website - phongmy.vn