Lâm Đồng: Gần 300 tu sinh khóa tu Báo Hiếu “Về Nguồn” tại Tổ Đình Sắc Tứ Giác Nguyên
Tri ân và báo ân không chỉ là nét đẹp của người con Phật mà còn là cơ hội để mỗi người tưởng nhớ công đức của bậc Ân Sư đã góp phần cho nền Phật giáo Việt Nam phát triển. Trong mùa Vu Lan 2023, với khóa tu Báo Hiếu tại chùa Giác Hải, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng diễn ra từ ngày 25/8 -28/8/2023 (nhằm ngày 10/7-13/7 năm Quý Mão) thì các hoạt động tìm hiểu nguồn cội, gốc rễ để các em hiểu hơn về lịch sử Phật giáo và biết ơn các vị Tổ có công với Phật giáo là hành động có ý nghĩa quan trọng.
Sáng ngày 27/8/2023 (nhằm 12/7 năm Quý Mão), ĐĐ. Thích Trí Định, Phó Trưởng Phân ban Hoằng pháp Thanh Thiếu nhi TƯ, Phó Trưởng Phân ban Thanh Thiếu niên TƯ, UV. BTS – Phó Trưởng ban TT Ban Hoằng pháp Phật giáo Lâm Đồng, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hướng dẫn – Trưởng Phân ban Thanh Thiếu nhi Phật tử tỉnh Lâm Đồng, Phó ban Trị sự- Trưởng ban Hoằng pháp BTS GHPGVN huyện Đơn Dương, trụ trì chùa Giác Hải, Trưởng ban Tổ chức khóa tu; SC. Thích Nữ Liên Hiền, UV.Phân ban Hoằng pháp Thanh Thiếu niên Phật tử Trung Ương, Phó ban Tổ chức khóa tu Báo Hiếu vừa hướng dẫn 300 tu sinh và Tình Nguyện viên về Lễ Tổ tại Tổ Đình Sắc Tứ Giác Nguyên thị trấn Đ’Ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Tổ đình sắc tứ Giác Nguyên là một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo được xây dựng trên một địa thế đồi núi cực đẹp. Chùa xây dựng năm 1923 còn có tên chùa Bà Xám, ban đầu chùa chỉ là một am nhỏ với mái lá, tường đất. Năm 1925, chùa được xây lại bằng gạch mái ngói khang trang, nơi chánh điện có chín cây cột nên còn gọi là chùa Chín Cột.
Đến năm Kỷ Mão – Bảo Đại thứ 14 chùa được phong sắc tứ. Vào năm 1976 cho đến nay, Hòa Thượng Thích Pháp Chiếu là vị trụ trì thứ 8: “Với tâm nguyện trùng kiến ngôi cổ tự để ngang tầm với chiều dài lịch sử như thế”. Nên vào năm 1993, Hòa thượng khởi công xây dựng với hơn 10 năm kiến thiết đã hoàn tất ngôi chánh điện mới. Hòa Thượng đã quyết định tổ chức lễ an vị phật vào ngày 16 tháng 4 năm 2007 (29/02 năm Đinh Hợi). Năm 1999, chùa cung nghinh xá lợi Phật do hoàng gia Thái Lan tặng. Giác Nguyên Tự là nơi đang có hàng chục Tăng ni tu tập, đồng thời cũng là nơi gửi gắm tình cảm của Phật tử và là tổ ấm của rất nhiều bạn trẻ tới nương nhờ chùa để được tiếp sức ăn học và trưởng thành.
Gần 300 tu sinh trong không khí trang nghiêm với áo am hiền từng nhịp bước khoan thai về lễ Phật khu chánh điện và lắng nghe đôi điều dạy bảo của Thượng tọa trụ trì. Sau đó, với sự hướng dẫn Chư Tôn Đức và Tình nguyện viên trong BTC, các tu sinh lần lượt bước chân trong sự chánh niệm, im lặng về lễ Tháp Tổ và nhiễu Tháp 3 vòng trên khu đồi núi bốn bề gió lộng.
Các tu sinh đã lưu lại bức ảnh đẹp giữa cái nắng ban mai tháng 7 như lưu những khoảnh khắc ý nghĩa trong chuỗi 4 ngày tu tập với chủ đề Báo Hiếu. Do vậy, lễ Vu Lan càng có ý nghĩa lớn trong nhà Phật để những bạn trẻ có những trải nghiệm dã ngoại sau những ngày học căng thẳng trên nhà trường và hiểu về giá trị sâu sắc của việc báo ân Thầy Tổ, Tổ tiên và Cha mẹ đồng thời biết tìm về suối nguồn yêu thương đầy nhân văn này.
Một số hình ảnh của khóa tu:
Dù ở đâu, dù bạn là ai sẽ luôn giữ trong lòng sự biết ơn sâu sắc đến tổ tông, những người có ơn sâu nặng với Phật giáo và xã hội, đất nước. Đó chính là đạo làm người chân chính.
Cổ đức có câu:
“Ăn trái nhớ kẻ trồng cây,
Uống nước nhớ người đào giếng”.
Câu tục ngữ như khắc ghi vào lòng mỗi con người, công ơn to lớn của bao bậc Ân sư có công đức xây dựng và phục hồi cho ngôi Tổ đình Sắc Tứ Giác Nguyên nói riêng và góp phần cho Phật giáo Việt Nam phát triển nói chung. Truyền thống “Cây có cội nước có nguồn” một lần nữa lưu truyền giá trị nhân cách của con người Việt Nam qua nhiều thế hệ với thông điệp biết ân và tri ân là hành trang tốt đẹp của Phật giáo và đặc biệt mùa Vu Lan Báo Hiếu.
Thanh Phong