Các loại hình đạo đức học Phật giáo

21/09/2019

Đạo đức học Phật giáo là nền tảng của mọi trật tự và là nền tảng để phát triển các tăng thượng tâm, hướng đến đời sống tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.

Đạo đức học Nhân quả: Là loại hình đạo đức xây dựng trên lý nhân quả nghiệp báo. Mỗi hành động, lời nói và ý niệm tự thân nó có tác hưởng trong mối quan hệ nhân quả. Hình thái đạo đức này phủ nhận vai trò của Đấng sáng tạo, của Thượng đế, của định mệnh mà đặt nền tảng trên đạo lý quyền tự do ý chí của con người.

Đạo đức học Giới luật: Là loại hình đạo đức xây dựng trên nền tảng những quy điều, giới luật, thanh quy của một tổ chức, đoàn thể thuộc Phật giáo, góp phần ổn định xã hội, và giúp cho nhân loại có cuộc sống hạnh phúc an vui.

Đạo đức học Trách nhiệm: Là loại hình đạo đức được xây dựng trên quy định của một gia đình, tổ chức, buộc con người trong tổ chức đó phải thực hiện. Loại hình đạo đức này nâng cao tinh thần con người lên một bậc đó là mỗi người tự ý thức, tự xét thấy trách nhiệm của mình nên làm, hơn là những quy định do tổ chức xã hội, hay tôn giáo quy định.

Đạo đức học Phẩm chất: Là loại hình đạo đức dựa trên hình thái ý thức và biểu hiện của con người ngang qua lời nói và hành vi. Nói cách khác, loại hình đạo đức này nghiên cứu và đánh giá các thái độ, hành vi, cử chỉ, cách dụng ngữ và ý niệm của con người, nhằm nêu rõ và thúc đẩy các phẩm chất đáng quý và cao thượng của con người.

Đạo đức học Vị tha: Là loại hình đạo đức vượt ngoài phạm vi giới luật và trách nhiệm của cá nhân, nhắm đến lợi ích lớn nhất của người khác, vì người khác mà làm. Điều này thể hiện tinh thần Bồ-tát đạo.

Đạo đức học Giải thoát: Tất cả hành vi, lời nói và ý niệm của đương sự nhắm đến sự thanh tịnh hóa để đạt đến sự giải thoát, giác ngộ viên mãn.

Đạo đức học Ứng dụng: Dựa trên các nguyên tắc đạo đức để xử lý các vấn nạn trong đời sống xã hội. Ví dụ: Đạo đức môi sinh (đốn cây, không xử lý chất thải, xả rác, vứt ni-lông), đạo đức y khoa (trợ tử, phá thai, chế dược, nhân tạo vô tính), đạo đức tình yêu và hôn phối (đồng giới tính, cùng huyết thống), đạo đức ngành an ninh (gián điệp, tra tấn,…), đạo đức học đường (cơ chế quản lý, trách nhiệm của giáo viên đứng lớp hoặc chấm bài, thái độ vô lễ của học viên, không chấp hành nội quy, tình trạng quay cóp, xả rác, đánh lộn…), đạo đức truyền thông ( nặc danh trong email và face book, thổi phồng sự kiện, dấu nhẹm thông tin, thông tin khiêu khích sân hận, phim ảnh khiêu dâm, quảng cáo bừa bãi), đạo đức kinh tế (làm các nghề không đúng với chánh mạng trong nhà Phật, cho vay nặng lãi, gởi ngân hàng, chủ nghĩa thực dụng), đạo đức công tác từ thiện (nhận rồi cho lại, cắt xén, nâng cao bản ngã, sân si với người nhận thí…), đạo đức trong buôn bán thực phẩm (đồ tẩm chất hóa học, có chất độc hại…), đạo đức ẩm thực (ăn chay, ăn mặn, làm đồ chay giả mặn…), đạo đức người lái xe (lấn đường, chạy ẩu, uống rượu bia trong khi lái xe, thấy người tai nạn làm ngơ,…)

 Hoa Hương -Nguyên Minh (sưu tầm)

Thiết kế website - phongmy.vn