Học theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm

01/11/2021

Hôm nay nhân kỷ niệm ngày Bồ Tát Quán Thế Âm xuất gia, ngày 19/09/Tân Sửu, chúng ta cùng nhau ôn lại những hạnh nguyện cao đẹp của Ngài, nguyện một lòng noi theo, thực hành trong đời sống hàng ngày để làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau cho nhân thế.

 

Tất cả chúng sanh từ phàm đến Thánh, xuất hiện trong cuộc đời này đều do hai động lực chính tạo nên. Đó chính là nghiệp lực và nguyện lực. Chúng sanh vì vô minh nghiệp chướng nên tạo tác vô số nghiệp lực trong nhiều đời, để rồi sức mạnh của nghiệp là vô biên, vô cùng tận, lôi kéo và dắt dẫn chúng ta chìm đắm trong sáu nẽo luân hồi. Cũng sức mạnh ấy nhưng được dẫn dắt bởi trí tuệ và từ bi, thì đó là nguyện lực. Bằng sức mạnh này các vị Bồ Tát phát ra khi còn ở địa vị phàm phu tu tập dần đến Thánh quả. Sức mạnh của những lời thệ nguyện “xả thân cầu đạo, cứu khổ độ sanh”, đã thôi thúc Quý Ngài dấn thân vào đời, thực hiện công hạnh của mình một cách tự tại, an nhiên, vô quái ngại.

 

Theo tinh thần của Phật Giáo Đại thừa, công hạnh Bồ Tát nói chung là “ban vui, cứu khổ”. Tùy theo hạnh nguyện riêng của mình mà mỗi vị Bồ Tát có cách ban vui cứu khổ khác nhau. Như Bồ Tát Địa Tạng thì phát nguyện cứu độ tất cả chúng sanh trong địa ngục. Nếu địa ngục vẫn còn một chúng sanh nào bị đọa dày trong ấy, thì Ngài nguyện chưa chịu thành Phật (Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật).

Đối với tín ngưỡng nhân gian của người dân đất Việt, thì từ lâu hình ảnh Mẹ hiền Quán Thế Âm, là tiếng gọi thân thương, đầy lòng bi mẫn, với dáng vẻ thướt tha hiền dịu, luôn gần gũi, và hiện hữu mọi lúc mọi nơi. Ở bất cứ nơi đâu, hễ có chúng sanh nào đau khổ, niệm danh hiệu Ngài, lễ bái Ngài và khẩn thiết cầu Ngài cứu giúp, thì Ngài liền xuất hiện (thiên xứ hữu cầu, thiên xứ ứng). Trong lúc thực hành hạnh nguyện của mình, Ngài đã phát ra mười hai lời thệ nguyện rộng lớn. Trong đó có lời nguyện thứ 6: “Nam mô Đại Từ Bi, năng Hỷ Xả, Quán Âm Như Lai thường hành bình đẳng nguyện”. Từ, Bi, Hỷ, Xả là bốn hành trang để một Bồ Tát đi vào đời độ sanh. Theo thuật ngữ Phật giáo, bốn tâm này được gọi là “Tứ vô lượng tâm”, là bốn tâm không ngăn mé, không thể so lường. Vì chúng sanh vô biên, nên tâm Bồ Tát cũng phải vô lượng.

 

 

Bồ Tát muốn vào đời độ sanh thì phải bắt đầu bằng một tâm buông xả thật sự. Khi thực tập hạnh buông xả thì tất cả ý niệm nhân, ngã, bỉ, thử, tâm ích kỷ hẹp hòi của mình dần triệt tiêu, ta có thể nới rộng dung lượng trái tim, yêu thương, bao dung, tha thứ đến với những người xung quanh. Từ khi mới sanh ra và lớn lên, ta quen rồi lối sống chạy theo duyên trần, đam mê dục lạc, càng chạy theo sự hấp dẫn của ngũ dục, tâm chúng ta càng không bao giờ thấy thỏa mãn, như người khát uống nước biển, càng uống càng khát thêm. Lâu dần làm cho mình mệt mỏi với cách sống, tư duy và hành động một cách hẹp hòi, ích kỹ, khổ đau chồng chất bởi ta thu gom rác thải quá nhiều chứa vào trái tim nhỏ bé của mình, nên lòng ta khó có thể tiếp nhận, sẻ chia và thấu hiểu được người khác. Có một vị đệ tử đến hỏi Sư Phụ của mình:

 

 

  • Thưa Thầy con tu sao cảm thấy không an lạc mà mỗi ngày càng thấy mệt mỏi và khổ đau hơn?
  • Sư Phụ: Đưa bàn tay ra và bảo đệ tử hãy nắm thật chặt và thật lâu, sau đó hỏi đệ tử: Con cảm thấy thế nào?
  • Đệ tử: Con thấy rất mệt.
  • Sư phụ: Con hãy tiếp tục dùng hết sức của mình nắm chặt thêm chút nữa.
  • Đệ tử: Làm theo lời Thầy, chỉ một lúc sau liền thưa: Con cảm thấy rất mệt và không còn chút sức lực.
  • Sư phụ: Vậy con hãy buông tay ra xem cảm giác thế nào.
  • Đệ tử: Dạ rất khỏe và rất dễ chịu.
  •  

 

Nhân đây vị Sư phụ dạy rằng: “Trong cuộc sống và trong tu tập cũng thế, con càng cố sức nắm chặt mọi thứ bao nhiêu thì càng làm cho con thêm mệt mỏi và kiệt sức mà thôi”. Câu chuyện trên đây dạy cho ta bài học về sự buông xả. Chúng ta như những kẻ lữ hành đang đi trên đường xa vạn dặm, nếu mang vác hành lý càng nhiều thì sẽ làm mình thêm mệt mỏi, và không thể tiếp tục cuộc hành trình. Tu  tập là đang trên lộ trình tiến về mục đích giải thoát và giác ngộ, hãy buông dần bao tâm niệm tham lam giận hờn, đố kỵ, ganh tỵ, chấp thủ, tâm bám víu vào của cải, vật chất, tình cảm. Vì tất cả những thứ này càng cố nắm giữ thì chúng ta càng mệt mỏi và đau khổ mà thôi. Khi đã buông bỏ được thì tâm sẽ thanh thản, nhẹ nhàng, trống rỗng, lúc đó tâm có thể chứa đựng và yêu thương tất cả mọi người.

      Có một người thanh niên trẻ đến tham vấn một vị cao  nhân: “Làm thế nào để trở thành một người sống vui vẻ và có thể đem lại niềm vui cho mọi người?”. Vị cao nhân thong thả trả lời: “Nếu muốn được như thế thì hãy thực hiện bốn điều: Thứ nhất, hãy đặt mình vào vị trí của người khác, đó gọi là “Vô ngã”. Thứ hai, đặt vị trí người khác vào vị trí của mình, đây gọi là “Từ Bi”. Thứ ba, phải thấy người khác là chính họ, đây chính là “Trí tuệ”. Và cuối cùng hãy thấy bản thân mình là chính mình, đây gọi là “Tự tại”.”

 

 Bồ Tát Quán Thế Âm đi vào đời bằng tất cả với những yếu tố này, nên Ngài đã “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” (vô ngã – trí tuệ, Ngài có danh hiệu là: “Đại từ bi năng hỷ xả” (Từ bi),  “Quán Tự Tại Bồ tát” (Tự tại). Chúng ta lễ bái Ngài, niệm danh hiệu Ngài, tưởng nhớ đến Ngài không gì cao cả hơn và lợi ích hơn bằng cách thực hiện theo công hạnh của Ngài. Hãy buông xả, thương yêu, tha thứ, sáng suốt và tự tại giữa mọi biến động của cuộc sống. Có như thế ta mới cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái, lạc an và đem tất cả những tố chất đó truyền tải đến những người xung quanh, để có được cuộc sống an lành và vui tươi ngay trong hiện tại.

Hãy buông gánh nặng trần gian

Cho lòng thanh thản, nhẹ nhàng, bình an

Thong dong gió núi mây ngàn

Tự tại lướt sóng giữa ngàn trùng khơi

Ô kìa bờ giác đây rồi

Mênh mông sóng vỗ biển trời Chân Như

                                                                                                                                                                                                                    THÍCH ĐẠO NGUYÊN

 

Thiết kế website - phongmy.vn