Vai trò của Phật giáo Việt Nam trong công tác xã hội hiện nay
- Đặt vấn đề
An sinh xã hội là điều kiện tất yếu để một quốc gia có thể giữ vững ổn định về kinh tế – chính trị – xã hội của đất nước, đảm bảo công bằng, giúp xã hội phát triển. Trong sự hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam nhà nước đã thực viện nhiều dự án chăm lo đời sống cho nhân dân Việt Nam thông qua các chương trình an sinh xã hội. Các Tăng ni sinh tốt nghiệp khoa Công tác xã hội của Học Viện Phật Giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Công tác An Sinh Xã hội. Nguyên tắc Phật giáo: Năm giới (Pañcasīla) Đức Phật đã nhấn mạnh với tất cả mọi người tầm quan trọng của việc cố gắng phát triển tâm hồn giữa những khó khăn của cuộc sống trên trái đất. Con người có thể phát triển bản thân để đạt được hạnh phúc của sự giác ngộ hoặc mức độ cao nhất có thể ở thế giới tiếp theo, còn được gọi là phúc lạc vĩnh cửu hay nibbāna (Cittasobhano, 1982). Ngoài ra, để bảo vệ tính mạng, tài sản, gia đình, thông tin chân chính và trí tuệ mà con người có thể khao khát, Đức Phật đã đặt ra năm giới hay Pañcasīla như một đức tính của con người, một phần của đạo đức cơ bản của triết lý Phật giáo. Tác giả của bài viết này tập trung làm rõ vai trò của Phật giáo trong công tác an sinh xã hội: Bảo trợ xã hội, cứu trợ xã hội.
- Hoạt động xã hội
2.1. Hoạt động công tác an sinh xã hội của Phật giáo Việt Nam
Thứ nhất, khái niệm an sinh xã hội. Năm 1850, sau cuộc cách mạng công nghiệp làm cho đời sống của công nhân gặp rất nhiều khó khăn nhất là khi ốm đau, bị mất việc hay tuổi già, lần đầu tiên ở Đức, nhiều Bang đã thành lập quỹ ốm đau và yêu cầu công nhân phải đóng góp để dự phòng khi bị giảm thu nhập vì bệnh tật. Từ đó, xuất hiện hình thức bắt buộc đóng góp. Đến cuối những năm 1880, An sinh xã hội đã có sự đóng góp bắt buộc của giới chủ và Nhà nước. Mô hình này của Đức đã lan dần ra châu Âu, sau đó sang các nước Mỹ Latinh, rồi đến Bắc Mỹ vào những năm 30 của thế kỷ XX. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, an sinh xã hội đã lan rộng sang các nước giành được độc lập ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 1935 đạo luật đầu tiên về an sinh xã hội (Social Security) xuất hiện ở Mỹ. Thuật ngữ an sinh xã hội được chính thức sử dụng. Đến năm 1941, trong Hiến chương Đại Tây Dương và sau đó Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chính thức dùng thuật ngữ này trong các công ước quốc tế. An sinh xã hội đã được tất cả các nước thừa nhận là một trong những quyền con người.
Nội dung của an sinh xã hội đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn nhân quyền do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948. Trong bản Tuyên ngôn có viết: “Tất cả mọi người với tư cách là thành viên của xã hội có quyền hưởng an sinh xã hội. Quyền đó đặt cơ sở trên sự thoả mãn các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa cần cho nhân cách và sự tự do phát triển con người…”. Ở mỗi quốc gia khác nhau, có các cách hiểu khác nhau về an sinh xã hội. Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng khái niệm của Tổ chức lao động quốc tế (ILO): An sinh xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua một loạt biện pháp công cộng, nhằm chống lại những khó khăn về kinh tế và xã hội do bị ngừng hoặc giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời đảm bảo các chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con.
Ở Việt Nam, Điều 34 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Đây là một quyền mới mà các bản Hiến pháp trước đây không quy định. Để bảo đảm việc thực hiện quyền này, khoản 2 Điều 29 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội” và điều này cũng đã được cụ thể hoá trong nhiều văn bản pháp luật khác như: Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật…
Trong thực tế, nhiều năm qua Nhà nước đã chú trọng phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương; chủ động phòng ngừa, giảm tới mức thấp nhất và khắc phục những rủi ro do tác động của kinh tế, xã hội, môi trường; phát triển mạnh mẽ hệ thống bảo hiểm, khuyến khích và tạo điều kiện để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm; mở rộng các hình thức trợ giúp và cứu trợ xã hội, tăng độ bao phủ, nhất là đối với các đối tượng khó khăn, các đối tượng dễ bị tổn thương… Như vậy, về mặt bản chất, an sinh xã hội góp phần đảm bảo thu nhập và đời sống cho các công dân trong xã hội. Phương thức hoạt động là thông qua các biện pháp công cộng. Mục đích là tạo ra sự “an sinh” cho mọi thành viên trong xã hội và vì vậy mang tính xã hội và tính nhân văn sâu sắc.
Thứ hai, cấu trúc của an sinh xã hội. Về bản chất, an sinh xã hội là góp phần bảo đảm thu nhập và đời sống cho các công dân trong xã hội. Phương thức hoạt động là thông qua các biện pháp công cộng. Mục đích là tạo ra cuộc sống tốt đẹp, bình an cho mọi thành viên trong xã hội. Vì vậy, an sinh xã hội mang tính xã hội và tính nhân văn sâu sắc.
Về cấu trúc của an sinh xã hội bao gồm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Bảo trợ xã hội, cứu trợ xã hội; Trợ cấp gia đình; Các quỹ tiết kiện xã hội; Các dịch vụ xã hội khác được tài trợ bằng nguồn vốn công cộng.
Thứ ba, vì sao phải đảm bảo an sinh xã hội. Bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu, điều kiện cần thiết của sự ổn định, phát triển đất nước. Với việc ghi nhận công dân có quyền được đảm bảo An sinh xã hội trong Hiến pháp năm 2013 cơ sở hiến định để công dân bảo đảm có được thu nhập tối thiểu nhằm thoát khỏi tình trạng nghèo đói khi không có việc làm hoặc không có thu nhập. Đây cũng là cơ sở để Nhà nước xây dựng hệ thống duy trì thu nhập do Nhà nước quản lý, bảo đảm cho công dân được hưởng quyền về an sinh xã hội.
Thực hiện chính sách an sinh xã hội là sự cung cấp phúc lợi cho các hộ gia đình và cá nhân thông qua cơ chế của Nhà nước hoặc tập thể nhằm ngăn chặn sự suy giảm mức sống hoặc cải thiện mức sống thấp. Bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu và điều kiện cần thiết của sự ổn định, phát triển đất nước, góp phần hiện thực hóa các quyền xã hội của mọi người dân. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, hoạt động bảo đảm an sinh xã hội ngày càng được triển khai có hiệu quả, trở thành một điểm sáng trong thực hiện nhân quyền ở Việt Nam. Việt Nam coi việc phát triển bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm chất lượng sống cho người dân ngày càng được an toàn và cải thiện là nội dung, cách thức thiết thực nhất thực hiện các quyền xã hội của mọi người dân; đồng thời, cũng là động lực và mục tiêu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới đất nước.
Bảo đảm an sinh xã hội là điều kiện để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991 và bổ sung, phát triển năm 2011) và nghị quyết của các kỳ đại hội, đặc biệt Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020” đã đặt ra yêu cầu: coi bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân với các yêu cầu: bảo đảm người dân có việc làm, thu nhập tối thiểu; tham gia bảo hiểm xã hội; bảo đảm hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi thu nhập thấp, người khuyết tật nặng, người nghèo,…); bảo đảm cho người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin), góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.
2.2. Vai trò cơ bản của Phật giáo với công tác An sinh xã hội
Từ năm 2018, nhiều nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu nội dung của “nguồn lực tôn giáo”, dù rằng trong Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/1/2018 của Bộ Chính trị cũng đã nói đến việc phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong quá trình phát triển đất nước. Phần lớn ý kiến đều quan tâm đến nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất, trong đó chú trọng các yếu tố nguồn nhân lực, nguồn vốn; đặc biệt vai trò của tôn giáo trong bảo vệ môi trường, an sinh xã hội. Trong Hội thảo của Hội đồng lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức với chủ đề “Nguồn lực tôn giáo: Kinh nghiệm trên thế giới và ở Việt Nam” thấy rằng, nguồn lực tôn giáo bắt nguồn từ 4 loại: nguồn lực về kinh tế vì trước đây tôn giáo ở miền Nam giàu hơn miền Bắc, nhưng giờ vị trí đã đảo lộn; nguồn lực tiếp theo là về cung cấp dịch vụ công như giáo dục, y tế, an sinh; nguồn lực về văn hóa, đạo đức và nguồn lực các tôn giáo có vị trí trong an ninh, sinh tồn và sức khỏe – đây vừa là đời sống xã hội, vừa là đời sống tâm linh và vừa là đời sống kinh tế. Hiện các tôn giáo khác nhau về nguồn lực, nếu thuần túy về nguồn lực kinh tế thì có Tin lành, Phật giáo và Hồi giáo, cùng với đó vấn đề đời sống tâm linh không chỉ phát triển ở cộng đồng mà còn trở thành nguồn lực kinh tế, chính vì vậy, khi nhắc đến sự phát triển của tôn giáo thì không nên “cào bằng”, “phân biệt” mà phải kích thích sự phát triển của tôn giáo từ 4 nguồn lực trên” (Lê Na, 2019).
2.3 Phật giáo với triết lý phúc lợi xã hội và nhập thế giúp đời
Các tôn giáo đều chú trọng các hoạt động từ thiện xã hội. Tuy nhiên, xét về mặt bản chất, hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo có những nét khác biệt so với nhiều tôn giáo khác. Sự khác biệt này xuất phát từ một số đặc thù trong giáo lý của Phật giáo. Nhà Phật luôn coi trọng “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật”. Nghĩa là, Phật giáo lấy con người làm trọng tâm, từ bi và nhập thế (Lê Tâm Đắc. 2021).
Đi sâu vào triết lý phúc lợi của Phật giáo có tác giả đã cho rằng, từ khái niệm Tứ diệu đế và học thuyết Karma (Nghiệp), Phật giáo đã đề cao hành động từ thiện và chủ nghĩa cộng đồng; đồng thời phúc lợi còn được xem như một khía cạnh của khái niệm bình đẳng. Từ đó, Phật giáo luôn coi khái niệm phúc lợi xã hội rộng hơn cách hiểu nhu cầu vật chất thông thường, hạnh phúc của con người chỉ có thể đạt được bằng cách thoát khỏi sự tha hóa đau khổ của tâm trí hay còn gọi là sự giải thoát (Thích Lệ Di, 2020). Điều này có liên quan đến “nguồn lực an ninh sinh tồn” của Phật giáo.
2.4 Từ hoạt động an sinh xã hội đến các lĩnh vực rộng lớn khác của một nguồn lực tôn giáo
Là một trong những người lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Trí Quảng cho rằng việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tập trung vào bốn hoạt động sau đây:
Thứ nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tham gia vào hoạt động “xóa đói, giảm nghèo” cho người dân, đặc biệt những tín đồ yếu thế trong xã hội.
Với truyền thống “hộ quốc, an dân”, Phật giáo luôn đồng hành cùng với những thăng trầm của dân tộc, mặc dù nguồn lực tài chính còn khiêm tốn, nhưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn dành ưu tiên đặc biệt cho những đối tượng yếu thế trong xã hội, nhất là những người nghèo, người già không nơi nương tựa, người có công với cách mạng… Tinh thần nhập thể “ích đạo, lợi đời” của Phật giáo đã phần nào giúp những người nghèo đói vươn lên trong cuộc sống.
Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ với 5 tỉnh, thành phố có số lượng hộ nghèo nhất cả nước từ tháng 12/2017 đến tháng 6/2019 (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Sơn La, Sóc Trăng), Ban từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyên góp được 28 tỷ đồng dành cho 5 tỉnh nói trên. Các chương trình xóa đói giảm nghèo do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, tính đến 2018 trên các địa bàn cư trú, cả thành thị và nông thôn, bao gồm nhiều nguồn vốn hỗ trợ cho hộ gia đình, trẻ em đi học, điều trị bệnh tật rất hiệu quả.
Thứ hai, về công tác khám, chữa bệnh, nhiều Tuệ Tĩnh đường, phòng chẩn trị y học dân tộc, phòng khám đa khoa tây y đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí, giúp chất lượng điều trị được nâng cao, không chỉ chữa trị được những bệnh thông thường mà còn các bệnh cấp tính, nguy hiểm.
Qua các hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo, các cơ sở ngày càng tạo nên sự gắn bó giữa người thầy thuốc với cộng đồng, giữa đạo lý với đạo đời, vừa mang ý nghĩa nhân văn, vừa mang tính xã hội hóa cao về công tác y tế thông qua sự huy động các nguồn lực đóng góp cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn. Có thể nói trong thời gian qua, Phật giáo với những ưu thế của mình đã tham gia tích cực vào công tác xã hội hóa y tế.
Theo số liệu của Ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong nhiệm kỳ III của Giáo hội, toàn quốc có 25 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc hoạt động có hiệu quả, đã khám và phát thuốc trị giá trên 9 tỷ đồng. Nổi bật nhất là lớp học y học cổ truyền của Thành hội Phật giáo Hà Nội, các Tuệ Tĩnh đường chùa Pháp Hoa, tịnh xá Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, chùa Diệu Đế, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Nam, Đà Nẵng… Nhiệm kỳ IV, toàn quốc có 126 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, 1/5 phòng thuốc chẩn trị y học đã khám, chữa bệnh và phát thuốc với tổng trị giá trên 9 tỷ đồng.
Thứ ba, về cơ sở dưỡng lão và trung tâm nuôi dạy trẻ em, hiện nay, công tác dưỡng lão của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tổ chức dựa trên nguồn lực tài chính do những phật tử quyên góp, một số phật tử có điều kiện kinh tế đã tự thành lập những viện dưỡng lão đón nhận những người già neo đơn không nơi nương tựa chăm sóc, nuôi dưỡng. Một số trung tâm dưỡng lão do Giáo hội thành lập được nguồn tài trợ thường xuyên từ các phật tử nên chất lượng hoạt động được đảm bảo. Hiện nay, toàn quốc có trên 20 cơ sở nhà dưỡng lão, nuôi dưỡng trên 1.000 cụ già. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có các nhà dưỡng lão thuộc các chùa Pháp Quang, Pháp Lâm, Quận 8; Kỳ Quang 2, quận Gò Vấp; Diệu Pháp, quận Bình Thạnh; chùa Hoằng Pháp huyện Hóc Môn… nuôi dưỡng trên 500 cụ. Ở Thừa Thiên – Huế có nhà dưỡng lão Tịnh Đức, Diệu Viên… Bên cạnh hệ thống nhà dưỡng lão Phật giáo, còn có các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và người cao tuổi cô đơn tỉnh Bình Dương vừa thành lập và đang đi vào hoạt động, một số chùa tuy không thành lập nhà dưỡng lão nhưng vẫn đón nhận, chăm sóc các cụ già có nhu cầu nương thân của Phật như Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi của chùa Pháp Võ Thành phố Hồ Chí Minh), chùa Khánh Quang (Khánh Hòa), Trung tâm Phật Quang (Kiên Giang)…
Thứ tư, về các hoạt động hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, phật tử của các chùa đã tích cực tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS như gắn các buổi thuyết pháp với việc tuyên truyền hiểu biết về HIV/AIDS và cách phòng, tránh cho người nhiễm và người dân trong cộng đồng. Ngoài ra, một số hoạt động truyền thông được triển khai ở những thời điểm phù hợp: tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tháng hành động quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS. Các hoạt động can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS luôn được phật tử, nhất là những phật tử là sinh viên, thanh niên, có kế hoạch hành động hiệu quả. Các phật tử tích cực tham gia chương trình đã cấp phát bơm kim tiêm miễn phí cho người nghiện chích ma túy; phát hàng triệu chiếc bao cao su miễn phí dự phòng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đối với nhóm người có nguy cơ cao… Vì thế, góp phần làm cho số lượng nhiễm mới của những đối tượng có nguy cơ cao dần ổn định và nhận thức của đối tượng này về HIV/AIDS tăng.
Phật tử ở các chùa như Pháp Vân (Hà Nội) và Kỳ Quang 2, Diệu Giác, Linh Sơn, Quang Thọ (Thành phố Hồ Chí Minh) đã huy động và hình thành mạng lưới tình nguyện viên ở cộng đồng để hỗ trợ người nhiễm HIV và ảnh hưởng HIV/AIDS, với thành phần chủ yếu là những tăng, ni, sinh viên tình nguyện ở các trường đại học, học viện, người dân ở cộng đồng và người có HIV; hình thành các nhóm “Tự lực” hay “Bạn giúp bạn” dành cho người nhiễm HIV; giới thiệu việc làm, tạo thu nhập cho người nhiễm HIV… (HT Thích Trí Quảng, 2020).
Có tác giả còn đi sâu vào các lĩnh vực bảo trợ xã hội, dạy nghề, y tế và giáo dục mầm non cũng được coi như những đóng góp tiêu biểu khác của Phật giáo trong xã hội hiện nay (Ngô Sách Thực, 2020).
Như vậy, với những đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội, một lần nữa có thể khẳng định rằng Phật giáo luôn có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay cũng như sức sống của nó đối với sự phát triển bền vững của đất nước qua các thời kỳ lịch sử.
Hoạt động an sinh xã hội của Phật giáo ngày càng rộng lớn, phong phú và có chiều sâu. Tuy thế, lôgic phát triển của vấn đề còn ở chỗ cao hơn cả các hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội như xương sống của công tác này, trong lịch sử cũng như hiện tại, cũng như các tôn giáo khác, Phật giáo đang vươn lên để trở thành một ngành kinh tế, một nguồn cung ứng các dịch vụ công như y tế, giáo dục, nguồn lực văn hóa đạo đức cũng như chức năng mới mẻ “an ninh sinh tồn”… Điều đó cũng là sự vận dụng cơ hội phục vụ xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định vai trò nguồn lực xã hội của các tôn giáo.
- Kết luận
Để đảm bảo sự phát triển bền vững cho xã hội, Phật giáo ngày càng có vai trò quan trọng, góp phần hỗ trợ với Nhà nước thực hiện tốt an sinh và đảm bảo công bằng xã hội. Với những đóng góp lớn, tích cực vào công tác an sinh xã hội và vai trò trách nhiệm trong điều kiện mới của Việt Nam là cơ sở chắc chắn khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của Phật giáo trong đời sống xã hội. Đồng thời khẳng định được sức sống của Phật giáo đối với sự phát triển của dân tộc qua suốt các thời kỳ lịch sử. Công tác an sinh xã hội, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội không thể thiếu sự đóng góp của Phật giáo.
TS. Nguyễn Thanh Bình – TS. Phan Thành Quốc
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2016.
- Nguyễn Hữu Dũng (2011), Bảo đảm gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội trong chiến lược phát triển nước ta đến năm 2020, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số tháng 1 (163).
- Lê Na (2019), bài “Phát triển tôn giáo từ 4 nguồn lực”, http://daidoanket.vn.
- Lê Tâm Đắc (2021). Hoạt động từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, Nguồn lực tôn giáo, Sđd, tr.381.
- Hòa thượng Thích Trí Quảng (2020). Giải pháp tăng cường đảm bảo an sinh xã hội cho người dân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, trong cuốn Phật giáo với hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, sđd, tr. 41-49.
- Ngô Sách Thực (2020). Phật giáo với hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, sđd, tr.113-125.
- Cittasobhano, P. (1982). Buddhism and Thai Culture. Bangkok: International Buddhist Students Association Annual Magazine.