Tiền Giang: Những Bài Thơ Mang Đậm Giá Trị Nhân Văn Của Một Cao Tăng
Ngài đã đi rồi những vầng thơ in đậm màu mực vẫn không nhạt nhòa theo năm tháng mà mỗi khi nhắc về Hòa Thượng thượng Quảng hạ Dư (nguyên Trụ Trì Chùa Vạn Phước – huyện Cái Bè – tỉnh Tiền Giang) vẫn tỏa một hương vị ngọt ngào của giá trị giải thoát. Những bài thơ mà Ngài sáng tác thường nói về Phật giáo hay triết lý nhân sinh luôn hướng con người đến giải thoát, xa rời những u mê trong cuộc sống, rèn luyện đạo đức tâm hồn cho chúng sanh.
Sơ lược tiểu sử Hòa Thượng thượng Quảng hạ Dư:
Hoà Thượng thế danh Trần Nhựt Thăng, húy Nhựt Thăng thượng Huệ hạ Trí, dòng Từ Lâm Tế gia phổ đời thứ 41. Sanh ngày 21–05–1932 tại kinh Một Thước, ấp Hậu Phú, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Thân phụ là cụ ông Trần Văn Hộ, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Trọng. Từ thuở nhỏ sống với gia đình bằng nghề nông có truyền thống tín ngưỡng Phật giáo, lúc lên 10 Hòa Thượng theo Cha Mẹ tới lui Chùa Thiên Hòa lễ Phật. Khi đó được Hòa Thượng Thiền Lâm chỉ dạy Phật Pháp và Nho giáo. Vì sự mộ đạo năm 1955 được Hòa Thượng nhận cho xuất gia và đặt pháp danh là Quảng Dư, với tinh thần hiếu học chỉ sau 2 năm Thầy đã thông hiểu Phật Pháp và Nho học.
Năm 1957 được Hoà Thượng Bổn Sư tạo điều kiện theo Cao Minh Thiền Sư học thuốc tại nhà thuốc Ông Sư-Đa Cao Sài Gòn và pháp môn tu thiền.
Năm 1958 được Cao Minh Thiền Sư giao trọng trách một ghe thuốc đi hành nghề y khắp nơi để giúp đời. Trong thời gian này, Thầy đã giúp đỡ cho rất nhiều bệnh nhân nghèo, đặc biệt là những người dân vùng nông thôn xa xôi không có điều kiện chữa trị khi lâm bệnh.
Năm 1961-1962 làm y tế phục vụ cách mạng tại xã Mỹ Thành.
Ngày 25/05/1966 Thầy tản cư về Cầu Xéo thành lập Phòng thuốc từ thiện trên phần đất gia đình.
Ngày 4/08/1967 Thầy Thọ Sa Di giới tại chùa Kim Tiên, huyện Cai Lậy do Hòa Thượng Thích Hoàng Thông làm đàn đầu.
Ngày Rằm tháng 7 năm 1968, Thầy lập ngôi Tam Bảo Vạn Phước Tự tại Cầu Xéo được sự Chứng minh của Hòa Thượng Thiền Lâm. Trong thời gian này, Thầy được các tổ chức từ thiện phối hợp phát quà cho đồng bào nghèo mỗi tháng 1 lần.
Ngày 29/12/1968 cùng chư Huynh đệ Tông phong thọ Tỳ Kheo giới tại Chùa Phật Ấn Sài Gòn.
Năm 1969, Thầy được Ban chức sự Giáo Hội Lục Hòa Tăng huyện Cai Lậy đề cử làm Trưởng Ban Hoằng Pháp.
Cuộc đời Ân Sư từ 1969-1984 phải nói không sao kể cho hết sự gian nan vất vả của Ngài đối với Đạo pháp và Dân tộc. Thầy đã rút gọn qua bài Thi Liên Hoàn như sau:
Mười lăm năm chẳng chút nghĩ ngơi
Đất nước chiến tranh bị tả tơi
Kẻ chạy trốn chui, người trốn nhũi
Đạn bơm chùa phải tách xa, dời
Phần lo bảo vệ tăng quân dịch
Nối gắn Nho Y để giúp đời
Cấp giấy tín đồ qua mặt Mỹ
Cùng nhau đùm bọc lúc chơi vơi
Liên Hoàn Thi:
Chơi vơi ai nấy ước mơ thầm
Kết thúc chiến tranh ở bảy lăm
Đặng có trở về quê quán cũ
Lo cho đời sống tưởng an tâm
Ai ngờ cắt đất ngăn sông chợ
Dân phải đứng điêu hết mấy năm
Nhờ Đảng tư duy thay đổi mới
Hôm nay mới đặng thế ngang tầm.
Sau 30/04/1975 Hòa Thượng Ân Sư chúng con luôn thể hiện là một công dân gương mẫu trong đời thường và là Bậc tôn đức mẫu mực, luôn tích cực tham gia các công tác Phật sự, góp phần cho Phật Pháp được xương minh.
1985 -> 1988: ( Nhiệm kỳ 1 Phật giáo Cái Bè )
Thầy đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban Hoằng Pháp huyện
1988 -> 1991 Nhiệm kỳ II: là Chánh Đại diện Phật giáo huyện, Uỷ viên Ban Trị Sự tỉnh.
1991-> 2002: Uỷ viên Ban Hoằng Pháp tỉnh Tiền Giang, Cố vấn Phật giáo huyện.
Ngoài việc tu trì theo Phật giáo, Thầy còn là một vị tinh thông nho học, lại uyên thâm về y thuật, Thầy đem nghề Y Học Cổ Truyền Việt Nam để xóa bớt nỗi đau cho người bệnh nên Thầy đã tham gia vào Hội Y Học cổ Truyền huyện Cái Bè từ năm 1982 đến nay. Thầy tham gia công tác khám chữa bệnh và giảng dạy cho thế hệ trẻ tại Phòng chẩn trị Y Dược Học Dân Tộc huyện Cái Bè và Hội Đông Y huyện. Trong công tác này, Thầy đã đem hết kinh nghiệm mà người đã tích lũy được cả cuộc đời làm thuốc để truyền trao và thừa kế cho người hậu học, ngõ hầu làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp thừa kế mai sau.
Trong quá trình công tác, Thầy được cấp trên đề cử vào Ban Chấp hành Hội Đông Y huyện Cái Bè từ nhiệm kỳ đầu tiên đến nay đã trải qua 27 năm.
Ngoài công tác ở xã và huyện, Thầy còn là thành viên trong Ban thừa kế của tỉnh và thành viên trong Hội Đồng xét duyệt Lương y giỏi do Hội Đông y tỉnh thành lập, với mục đích dịch thuật, hiệu đính các y thư bằng Hán Nôm và đánh giá trình độ của Lương y qua các kỳ xét tuyển Lương y giỏi.
Với công lao và thành tích to lớn đó, Thầy được Bộ Y tế cấp “Kỷ niệm chương sức khỏe của nhân dân” và mới đây nhất thầy được Trung ương Hội Đông y Việt Nam tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Đông Y năm 2009” và nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh và huyện…
Cách đây 10 năm, Hòa Thượng Ân Sư chúng con đột nhiên phải chịu một căn bệnh nan y, làm cho tứ đại không được điều hòa. Từ đó các sinh hoạt Giáo Hội cũng như Hoằng pháp bị hạn chế. Tuy nhiên với tinh thần đạo pháp chúng sanh cũng như một lương y, Ngài đã vận dụng những gì mình có được để góp phần cho Giáo Hội Phật Giáo tỉnh cũng như tỉnh hội đông y tỉnh Tiền Giang nói riêng và các tỉnh bạn nói chung.
Với một gương hạnh tuyệt vời, bậc Tôn Sư khả kính, sức khõe vô cùng hạn chế. Ân Sư đã luôn chủ trì các khóa lễ cúng hết sức trang nghiêm long trọng. Vào ngày rằm tháng 7 năm Kỷ Sửu. Sau khóa lễ cúng ngọ với cơn bệnh nan y thầy phải nhập viện. Sau 15 ngày điều trị rất ân cần của bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang. Vào lúc 2 giờ 10 phút ngày 29 tháng 7 năm Kỷ Sửu (nhằm ngày 17/09/2009). Với một trí tuệ minh mẫn Hòa Thượng Ân Sư của chúng con đã thâu thần thị tịch. Hưởng thọ 71 tuổi, hạ lạp 42 năm.
BBT Phật giáo và Tuổi trẻ biên soạn.