NGÔI CHÙA CỔ VÀ VỊ LÃO TĂNG THẠCH TRỤ CỦA PHẬT GIÁO TỈNH THÁI BÌNH

25/03/2022

Phật giáo từ Ấn Độ được truyền bá vào Việt Nam đã hơn 2500 năm, thông qua 2 con đường chính là Phật giáo Bắc truyền và Phật giáo Nam truyền.

Trải qua hơn 2000 năm đồng hành cùng dân tộc, thăng trầm thịnh suy cùng đất nước, Phật giáo đã nhập thế và hòa quyện cùng với văn hóa tín ngưỡng bản địa và đã trở thành một tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội, Phật pháp bất ly thế gian pháp.

 Trong xã hội phong kiến có những triều đại Vua chúa mà Phật giáo đã được trực tiếp tham gia vào chính trường nhà nước, triết lý Phật giáo khi được quyền lực hóa trong xã hội đã làm nên một nhà nước phát triển cực thịnh, nhân dân được ấm no, điển hình như Phật giáo thời Lý – Trần.

 Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì Thái Bình cũng như nhiều địa phương khác tại khu vực miền Bắc, Phật giáo Thái Bình được tiếp cận thông qua các nhà sư truyền đạo ngay từ những ngày đầu qua con đường chính từ biển và một phần từ đường bộ, Phật giáo tại Thái Bình phát triển mạnh mẽ nhất trong thời Trần.

 Nhiều ngôi chùa lớn được xây dựng trong giai đoạn này. Cho đến ngày nay tỉnh Thái Bình có hơn 800 ngôi tự viện, trong đó có những ngôi chùa là di tích Quốc gia đặc biệt hàng ngàn năm tuổi, di tích cấp tỉnh và là những chứng tích lịch sử trong kháng chiến. Các ngôi chùa tại Thái Bình hầu như được giữ gìn rất tốt, đây là nơi lưu giữ những văn hóa tâm linh của Phật giáo và nhiều giá trị quý của cả nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

 Phật giáo Thái Bình có hơn 600 vị Tăng, Ni đang hoạt động Phật sự hoằng pháp độ sinh, chăm lo đời sống tâm linh cho nhân dân, giữ gìn mạng mạch của Phật pháp.  Nhiều năm qua Phật giáo Thái Bình là địa phương có tổ chức chặt chẽ quy củ, đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Đạo pháp và xây dựng quê hương đất nước.

Ngôi chùa Ngái tại xã Quang Bình, huyện Kiến Xương một ngôi cổ tự ngàn năm tuổi, nơi có bậc tùng lâm thạch trụ của Phật giáo Thái Bình, vị lão Tăng của Phật giáo Việt Nam, Ngài dành cả cuộc đời tu hành cống hiến giữ gìn mạng mạch cho đạo pháp và dân tộc. Người thắp ngọn đuốc soi đường, mang ánh sáng của lòng từ bi trí tuệ vô ngã vị tha, người mang giáo lý nhà Phật cứu độ chúng sinh thoát khỏi nỗi khổ niềm đau trong đời sống nhân sinh của đồng bào người dân quê lúa.

Theo tỉnh lộ 39B từ TP Thái Bình đi chừng hơn 10km về hướng tây nam,  chúng ta đến với xã Quang Bình huyện Kiến Xương, thăm ngôi chùa Ngái còn có tên là Đoài Lâm Tự. Chùa Ngái là ngôi cổ tự có niên đại hàng ngàn năm tuổi tọa lạc trên khu đất có địa thế rất đẹp và yên bình.

 Trong cuộc kháng chiến chống Pháp nơi đây đã từng là cơ sở hậu cần, bếp nuôi quân và là kho giấu vũ khí của cách mạng, nơi đây còn tổ chức những khóa học bồi dưỡng cán bộ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Hòa Thượng trụ trì cho biết Liệt sỹ Nguyễn Xuân Quế là một tiểu đồng được nuôi dưỡng tại chùa từng tham gia trong cuộc kháng chiến chống Pháp, sau đó đi tái ngũ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đã hy sinh anh dũng trên chiến trường, hiện nay Hòa Thượng được nhà nước phong tặng là gia đình Liệt sỹ, bằng Tổ quốc ghi công còn được lưu giữ tại chùa.

 Giữa một cánh đồng lúa bằng phẳng bạt ngàn, ngôi chùa như một điểm nhấn nổi bật với gam mầu của mái ngói đỏ đặc trưng, các góc được uốn cong vút hình Rồng. Chùa có diện tích khoảng hơn 8000m2. Với lối kiến trúc cổ, có ngôi chánh điện được thiết kế theo lối “chữ nhị trùng”, đây cũng là một trong những kiến trúc đặc trưng thuần Việt của nhiều ngôi chùa cổ vùng đồng bằng Bắc bộ, hai bên là hai cổng vào có mái vòm đường đi vào chùa có hàng cây xanh tỏa bóng mát, tại đây còn có cây bồ đề cổ thụ hàng trăm năm tuổi, khu vườn tháp cổ nơi lưu giữ nhục thân của các bậc cao tăng là minh chứng cho sự hiện diện của các bậc tiền bối tu hành từ rất lâu nơi chốn cổ tự này.

Từ trên cao nhìn xuống ngôi chùa như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Với những công trình kiến trúc độc đáo, mềm mại hài hòa trong bố cục, hoa văn họa tiết trên các cuốn thư, bức đại tự được trạm khắc theo mô típ hoa văn thời lý rất tinh xảo.

Tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát đứng uy nghiêm trên đài sen nơi sân chùa như che chở cho sự bình yên của mọi người. Ngôi chính điện của chùa Ngái được đại trùng tu năm 2015, các pho tượng cổ tại đây có tuổi đời hàng trăm năm, những đường nét tạo hình và hoa văn mang đậm nét văn hóa thuần Việt, nhằm nhắn gửi cho các thế hệ hôm nay và mai sau những thông điệp về nhân sinh quan – thế giới quan, những ước vọng về cuộc sống ấm no, thanh bình và những điều tốt đẹp nhất phát xuất từ tinh thần Từ bi – Trí tuệ của đạo Phật.

 Chùa còn có các công trình khác như: nhà thờ tổ, khu tăng xá, nhà khách , trai đường và các công trình phụ trợ để phục vụ cho các nghi lễ tâm linh và sinh hoạt. Phía ngoài bốn mặt có tường xây bao quanh,  Theo các văn bia ghi lại thì ngôi chùa đã có từ hàng ngàn năm trước, trải qua biến thiên của thời gian giặc dã chùa được trùng tu vào thời Vua Bảo Đại và đại trùng tu vào năm 2015.

Mỗi buổi chiều tà khi tiếng chuông chùa ngân vang trong khói lam chiều, âm thanh tiếng chuông chùa khi ngân lên như mang lại sự an lạc lạ thường, mà mỗi ai khi xa quê, đều phải nghẹn lòng nhớ về nơi quê hương sứ sở.

Trụ trì ngôi chùa là Đại Lão HT Thích Thanh Dục, một bậc Lão tăng năm nay đã 95 tuổi, Ngài là Ủy viên Thường trực HĐCM TƯ GHPGVN và là nguyên Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Thái Bình 4 nhiệm kỳ liên tục (từ 1992-2012), Chứng minh BTS Phật giáo tỉnh.

 Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có lòng kính ngưỡng Phật pháp, Thân phụ, thân mẫu đều là những Phật tử thuần thành, năm 12 tuổi HT đã xuất gia học đạo cùng Hòa Thượng tôn sư.

 Hơn 80 năm tu hành Hòa Thượng đã trải qua nhiều trọng trách của Phật giáo tỉnh Thái Bình.  Từ khi thành lập Phật giáo thống nhất năm 1981, HT ngài đã dành nhiều tâm huyết trong việc lãnh đạo điều hành các công việc phật sự của Phật giáo Thái Bình.

  Mặc dù tuổi cao nhưng với lối sống giản dị khiêm cung cần mẫn, Ngài luôn là tấm gương cho hàng hậu tấn, Hòa Thượng rất nhiều năm luôn đảm nhiệm ngôi đường chủ các Trường hạ để tăng ni nương theo tu học, cũng như đương vị ngôi Đàn đầu Hòa thượng truyền trao giới phẩm cho các tăng ni sinh, góp phần tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức. 

  Với nếp sống phạm hạnh, giản dị khiêm cung trong chốn thiền môn, nhưng với giáo dục Phật giáo Hòa thượng luôn nêu cao tinh thần tu học, Ngài là bậc Thầy khả kính cho tăng ni của Phật giáo Thái Bình nương nhờ y đức.

 HT có công lớn và là người đặt nền móng cho sự phát triển Phật giáo thống nhất của tỉnh Thái Bình và là bậc tùng lâm thạch trụ của Phật giáo tỉnh góp phần hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, trang nghiêm Giáo hội, đóng góp nhiều công sức trí tuệ cho Giáo hội, xã hội, HĐCM, HĐTS Phật giáo Việt nam nói chung.

  Ngôi chùa Ngái là nơi đi về, chốn nương náu tâm hồn cho người dân trong vùng và nhiều các nhân sĩ trí thức của Thái Bình, hàng năm vào ngày mồng 4 tháng giêng âm lịch, chùa có tổ chức lễ hội đầu xuân, ngoài các nghi lễ tâm linh Phật giáo, trong lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ các trò chơi dân gian. Thông qua các hoạt động này mà người dân quê lúa đã gìn giữ được những nét văn hóa mang bản sắc của dân tộc hàng ngàn đời nay.

 Đại Lõa Hòa THượng Trụ trì năm nay đã bước vào tuổ 95, với dáng người vừa phải, trong tâm thái của một bậc chân tu thong dong, uy dũng mà tự tại, Hòa Thượng luôn gần gũi và sách tấn hàng hậu học phải luôn biết trau dồi trí đức, khiêm tốn, đoàn kết nội bộ từ đó mới có thể cùng nhau vượt qua những trở ngại của đời sống tu hành.

     Đi qua 2 thế kỷ chứng kiến những trang sử vẻ vang cùng dân tộc, là nhân chứng sống của sự phát triển của Phật giáo nước nhà nói chung, Phật giáo Thái Bình nói riêng, ở cái tuổi 95 với hơn 80 năm tu hành phụng sự Đạo pháp, nhưng ở nơi Hòa Thượng chưa có một phút xao nhãng, Ngài luôn thức khuya dậy sớm, duy trì tiếng mõ lời kinh nghiêm trì giới luật, ở sâu bên trong tâm hồn ngài là sự an yên của một bậc cao tăng nơi chốn thiền môn thanh tịnh.

     Mùa xuân năm 2022 năm Nhâm Dần mừng Khánh tuế Hòa Thượng tuổi 95, duyên lành được thăm, đảnh lễ và chia sẻ giáo lý cùng bậc cao tăng thạch trụ, Hòa Thượng đã khuyến tấn chúng tôi:

  Bản nguyện của người tu Phật là “tự độ, độ tha”, nghĩa là nỗ lực tu tập theo lời Phật dạy, để chuyển hóa tự thân, thành tựu giác ngộ, đồng thời tùy duyên đem Phật pháp hóa độ nhân sinh, hướng mọi người làm lành tránh ác, thoát khỏi phiền não khổ đau, cùng thiết lập một xã hội an lành, hạnh phúc.

    Dạo từng bước trên các lối đi trong ngôi chùa Ngái, được trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ về giáo lý Phật-đà cùng những tâm nguyện của Đại lão Hòa Thượng trụ trì, cõi lòng chúng tôi cảm nhận được sự bình an và phát khởi niềm tin về một tương lai tươi sáng của đạo pháp cùng đời sống tâm linh của nhân dân nơi đây.

  Nguyện xin Chư Phật gia hộ cho ngài luôn thân khỏe tâm an, Phật sự viên thành, mãi là cây bồ đề tỏa bóng che chở cho hàng hậu học chúng con nương nhờ.

   Chùa Ngái cổ tự là một danh thắng Phật giáo Thái Bình, sẽ là điểm đến tâm linh, nơi tu tập để thiết lập an lạc, trưởng dưỡng đạo đức và trí tuệ cho mọi người, nơi lưu giữ những giá trị tâm linh, văn hóa truyền thống của dân tộc cho mai sau.

Bài và hình: Tronghaitb.

 

 

Thiết kế website - phongmy.vn