Tịnh xá Ngọc Tuệ và sự dấn thân của Tăng sĩ trẻ tại vùng núi rừng dân tộc Raglay

12/02/2021

     Từ sân bay quốc tế Cam Ranh vượt khoảng hơn 60km đường bộ, qua tỉnh lộ 656 trên con đường gập ghềnh và dốc đứng quanh co. Đến thăm vùng núi cao huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, có một ngôi Tịnh xá thuộc Giáo đoàn 3 Hệ phái Phật giáo Khất sĩ.

     Tịnh xá Ngọc Tuệ được Hòa Thượng Thích Giác Y nguyên Phó trưởng ban Trị sự GHPGVN TP Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa, Đệ nhị chứng minh giáo đoàn 3, Viện chủ Trụ trì Tổ đình Ngọc Hải TP Cam Ranh, khai sơn và kiến tạo từ năm 2015.

     Huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa là một huyện miền núi cao, địa hình hiểm trở. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, muốn đến với Khánh Sơn phải đi qua những cung đường đèo dốc dựng đứng quanh co và những khúc cua tay áo của Đèo Khánh Sơn huyền thoại.

      Hiện tại nơi đây chưa có tổ chức chính thức của giáo hội PGVN. Ngôi Tịnh xá Ngọc Tuệ là 1 trong những ngôi Tự viện Phật giáo đầu tiên được thành lập tại địa phương này. Đây là nơi gieo hạt giống lành Phật pháp, nhằm giúp cho bà con đồng bào tu tập, học theo giáo lý nhà Phật, làm những điều thiện lành từ đó mang lại những lợi ích thiết thực cho cuộc sống .

   Trụ trì Tịnh xá Ngọc Tuệ là Đại Đức Tiến sĩ Thích Giác Nhãn, một trong những đệ tử của Hòa Thượng Giác Y, bậc Tôn túc của Phật giáo Hệ phái Khất sĩ.

    Sau nhiều năm tu học và nghiên cứu sinh tại nước ngoài, Đại Đức Giác Nhãn tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ và trở về nơi miền Tịnh xá Ngọc Tuệ tu tập và hành đạo.

     Ngôi Tịnh xá Ngọc Tuệ được xây dựng trên một ngọn đồi rộng với địa thế đẹp về phong thủy, phía sau có 3 ngọn núi lớn, phía trước mặt nhìn ra một vùng minh đường thoai thoải ngút tầm mắt.

    Tịnh xá có diện tích khoảng 15 ha, dù mới được kiến tạo, nhưng Đại Đức Trụ trì cũng đã cho kiến tạo đầy đủ các công trình tâm linh của một ngôi Tự viện, như Chánh điện, Điện Quan âm, khu nhà Tăng, nhà khách, trai đường, các am cốc và công trình phụ trợ.

     Đến với ngôi Tịnh xá Ngọc Tuệ vào mùa thu khung cảnh thiên nhiên nơi đây có thể nói là tuyệt đẹp và thanh bình. Được bao bọc bởi những khu rừng nguyên sinh, có các loài cây bản địa đua nhau khoe sắc, nghe tiếng chuông Chùa ngân lên cõi lòng người lữ khách như tìm về được với chính mình trong những giây phút bình an nơi tâm hồn.

     Đây là vùng núi cao, mật độ dân cư thưa thớt, phần lớn là đồng bào dân tộc Raglay và đồng bào Ê Đê, do điều kiện địa hình cũng như tập tục canh tác còn hạn chế, nên đời sống bà con còn nhiều khó khăn.

    Từ khi có ngôi Tịnh xá Ngọc Tuệ, nhờ sự hướng dẫn tu tập của Chư Tăng, đồng bào Phật tử được học và hiểu về giáo lý nhà Phật, làm lành tránh ác từ đó mà tâm được an, mọi người khỏe mạnh biết tương trợ giúp đỡ thương yêu nhau, đời sống của bà con dân tộc nơi đây ngày càng ổn định và phát triển về mọi mặt.

    Đại Đức TS Thích Giác Nhãn Trụ trì Tịnh xá cho biết:

    “Hiện nay trong Tịnh xá có 4 Chư Tăng đang tu tập và theo học các trường Phật học trong nước. Dù đang trong giai đoạn kiến thiết, các công trình xây dựng chưa hoàn thiện”. Cũng theo Đại Đức Thích Giác Nhãn thì ngôi Tịnh xá Ngọc Tuệ mặc dù mới được thành lập tại một vùng rừng núi heo hút, nhưng bà con dân tộc nơi đây đã thấy  được lợi ích của việc tu tập, nên càng ngày trở về càng đông hơn. Các thời khóa tu học được duy trì đầy đủ trong ngày, trong tuần và trong tháng, bà con dân tộc Raglay từ các Bản xa cũng tìm về quy ngưỡng Phật pháp.

     Tịnh xá Ngọc Tuệ nằm trên núi cao với vùng khí hậu gần với TP.Đà Lạt nên môi trường nơi đây rất trong lành, phù hợp cho các khóa tu thiền.  Khi thực hành một khóa tu học tại đây các hành giả sẽ thu nạp những năng lượng tích cực từ thiên nhiên trong lành, an trú trong chánh niệm.

   Trong thời gian tới Tịnh xá sẽ tổ chức các khóa tu “Thiền” cho đông đảo đồng bào trong địa phương và các Phật tử từ phương xa về đây tham gia tu học. 

    Được trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ cùng những tâm nguyện của Đại Đức Tiến sĩ trụ trì, chúng tôi cảm nhận được một niềm tin về tương lai tươi sáng của đạo pháp và đời sống tâm linh của vùng đồng bào dân tộc Raglay nơi miền núi heo hút này.

    Hành trình dấn thân phụng sự của các Tăng Ni trẻ tới những nơi xa xôi, vùng đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, nơi biên giới hải đảo, mang ánh sáng từ bi của Đức Phật giáo hóa chúng sanh ban vui cứu khổ, đây chính là một nét nhân văn của Phật giáo nhập thế thời hiện đại. Có lẽ cái làm nên sức mạnh của Phật giáo Việt Nam là ở tinh thần dấn thân của các Tăng Ni trong đó có lực lượng Tăng Ni trẻ, tinh thần tu tập giải thoát luôn giữ vai trò hộ quốc an dân, “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”.

    Tịnh xá Ngọc Tuệ huyện Khánh Sơn tỉnh Khánh Hòa, một công trình tâm linh tôn giáo nơi vùng núi huyện Khánh Sơn tỉnh Khánh Hòa,  chốn thiền môn thanh tịnh, sẽ là điểm đến tâm linh, nơi tu tập để thiết lập an lạc, trưởng dưỡng đạo đức và trí tuệ cho đồng bào Phật tử và mọi người, nơi lưu giữ những giá trị tâm linh, văn hóa truyền thống của Phật giáo Khất sĩ.

Bài và ảnh: Tronghaitb

Thiết kế website - phongmy.vn