Tổ Đình Phước Lâm (Tiền Giang) : Nơi Thác Tích Nhiều Bậc Danh Tăng Đạo Cao Đức Trọng

17/09/2019

Có thể nói, suốt chiều dài trên dưới 200 năm Tổ Đình Phước Lâm là nơi thác tích của nhiều bậc danh Tăng đạo cao đức trọng được Triều đình nhà Nguyễn và Tăng Ni, Phật tử khắp Nam kỳ lục tỉnh kính phục. Trong buổi đầu kiến tạo khai mở vùng đất mới này có những vị đã hàng phục các loài thú dữ như rắn lớn và cọp beo để lại nhiều sử liệu rất đáng kính phục như cụ Tổ Minh Trữ hiệu Quảng Huệ, Tổ Tâm Bờ – Phước Chí, Tổ Khánh Huy húy Như Huy.

Quả thật:

Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng,

Nghĩa Ân Sư muôn kiếp khó đáp đền.

Tổ Đình Phước Lâm ( ấp Phú Lợi, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) được hình thành từ khi nào thì không rõ lắm (không còn sử liệu), chỉ biết vào năm 1836 cụ Tổ thượng Thanh hạ Lợi trùng kiến lần thứ nhất. Đến năm 1873, Tổ thượng Minh hạ Trử hiệu Quảng Huệ trùng tu lần thứ hai, đến năm 1914 Tổ thượng Khánh hạ Huy pháp húy Như Huy trùng tu lần thứ 3 theo lối kiến trúc Chùa xưa nam bộ 5 gian 7 chái với hơn 100 cột gỗ quý.

Đây là một trong ngôi già lam có kiến trúc nguy nga đồ sộ của miền Tây Nam Bộ lúc bấy giờ và trải qua thời kỳ bom đạn, hiện tại Chùa còn lưu giữ nhiều tảng đá kê chân cột gỗ khi xưa và rất nhiều câu hoành phi câu đối.

Đến năm 1984, Hòa Thượng thượng Minh hạ Trí húy Nguyên Đạo được Phật tử thỉnh về làm Trụ Trì, Ngài đã tiến hành trùng tu lần thứ 4 (năm 1995). Hòa Thượng thượng Minh hạ Trí còn cho tiến hành xây dựng Quan Âm Các, cổng Tam quan, tường rào bao bọc xung quanh Chùa.

Quan Âm Các được tôn trí thanh thoát giữa lòng ao sen bốn mùa thoảng hương thơm ngan ngát và được nối với bờ ao bằng chiếc cầu hình bán nguyệt.

Cổng Tam Quan được thiết kế trang nghiêm với kiến trúc Tứ trụ: Hai trụ giữa, phần trên chóp được tôn trí hình tòa tháp Đại Giác nơi Đức Phật Thành Đạo, hai trụ bên là hình tháp tứ diện, phần thân dưới các trụ cột được chạm các hoa văn, khắc họa các câu đối nêu ý nghĩa tên của Chùa và nêu ý nghĩa việc tu phước hành thiện.

Hai bên cổng Tam quan còn có thêm hai cổng phụ “Phương tiện môn và Phước đức môn”, khắc họa lại các Bia Tháp, họa tiết đã bị hư hoại, đúc quả Đại Hồng Chung nặng 1.000 kg tại Huế và cho xây dựng Lầu Chuông, Gác Trống phía trước sân hai bên Chánh Điện rất thẩm mỹ.

Theo sử liệu, Tổ Đình Phước Lâm đã trải qua các đời truyền thừa và Trụ trì như sau:

– Từ lâm tế Chánh tông đời thứ 35 húy Thiệt Thoại – thượng Tánh hạ Minh.

– Từ lâm tế Chánh tông đời thứ 36 húy Tế Hiển – thượng Bửu hạ Vương.

– Từ lâm tế Chánh tông đời thứ 37 húy Đại Quang – thượng Chí hạ Thành.

– Từ lâm tế Chánh tông đời thứ 38 húy Đạo Trung – thượng Thiện hạ Hiếu.

– Từ lâm tế Chánh tông đời thứ 39 húy Tánh Châu – thượng Đức hạ Triêm.

– Từ lâm tế Chánh tông đời thứ 40 húy Hải Cảm – thượng Chánh hạ Dũng.

– Từ lâm tế Chánh tông đời thứ 41 húy Thanh Lợi – thượng Minh hạ Đức.

– Từ lâm tế Gia Phổ đời thứ 38 (Tế thượng Chánh tông đời 42) húy Minh Trữ (Trừng Trữ) – thượng Quảng hạ Huệ.

– Từ lâm tế Chánh tông đời thứ 43 (Gia Phổ đời 39) húy Như Huy – thượng Khánh hạ Huy.

– Từ Tế thượng Chánh tông đời 42 húy Trừng Đắc – thượng Tịnh hạ Biên.

– Từ Tế thượng Chánh tông đời 42 húy Trừng Vui – thượng Tịnh hạ Trí.

– Từ lâm tế Chánh tông đời thứ 43 húy Nguyên Thường.

– Từ lâm tế Chánh tông đời thứ 44 húy Nguyên Hiền – thượng Diệu hạ Hiền. Trụ trì từ 1974 – 1984.

– Từ lâm tế Chánh tông đời thứ 44 húy Nguyên Đạo – thượng Minh hạ Trí. Trụ trì từ năm 1984 – 2010.

– Thượng Tọa Thích Phước Nghiêm, Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự, Phó Trưởng Ban Thường Trực Ban Hướng Dẫn Phật Tử Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Trưởng Phân Ban TTN Phật Tử TƯ, Trưởng Phân Ban Hoằng Pháp TTN TƯ – Trụ trì Tổ Đình từ năm 2010 đến nay.

Mặc dù bận nhiều công việc của Trung Ương Giáo Hội nhưng Thượng Tọa Thích Phước Nghiêm cũng dành nhiều thời gian, kiến tạo, tu bổ lại xây dựng Nhà Hậu Tổ, tôn thờ Tượng Bổn Sư trang nghiêm, kiến tạo Tôn tượng Bồ Tát Địa Tạng cao 18m, xây dựng Tăng xá, Khách đường, khuôn viên Chùa và nhiều công trình phụ khác để phục vụ cho các ngày Lễ hội, Húy Kỵ diễn ra hằng năm tại Tổ Đình.

Ngày 22/7 năm Kỷ Hợi là Lễ Húy Kỵ của Hòa Thượng thượng Minh hạ Trí – húy Nguyên Đạo (viên tịch ngày 22 tháng 7 năm Canh Dần ( năm 2010), trụ thế 52 năm).

Đôi nét về Tiểu sử Hòa Thượng Thượng Minh Hạ Trí:

Ủy viên Ban Trị sự Tỉnh Hội Phật Giáo Tiền Giang
Phó Ban Hoằng Pháp Tỉnh Hội
Phó Đại Diện Phật Giáo huyện Cai Lậy
Giáo Thọ Trường Trung cấp Phật Học
Viện Chủ Tổ Đình Phước Lâm, Cai Lậy, Tiền Giang
Viện Chủ Tổ Đình Bửu Hưng, Lai Vung, Đồng Tháp


Với hạnh nguyện “Tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức”, Hòa Thượng vẫn dành nhiều thời gian cho công tác giáo dục và hoằng pháp; tiếp Tăng độ chúng, bằng tâm từ bi hóa độ và Ngài đã cảm hóa được rất nhiều người nương theo xuất gia, y chỉ tu tập. Hàng đệ tử của Hòa Thượng ngày nay tham gia hoạt động Giáo Hội khắp nơi, góp phần vào công việc hoằng pháp lợi sanh, xiển dương Phật pháp.

Thầy đã sống một đời đầy đạo vị

Đạo và đời Thầy hiến trọn tình thương

Bóng Trăng Rằm vằng vặc tỏa đêm trường

Cho nhân thế bớt si mê lầm lạc.

Liên Hiền – Su Su- Trịnh Thắm

Thiết kế website - phongmy.vn