Pháp phục Phật tử thể hiện nét đẹp văn hóa thẩm mỹ và văn hóa tâm linh

30/10/2019

Nói đến pháp phục của Phật giáo, chúng ta thường đề cập đến pháp phục của người xuất gia, nhưng trong đời sống Tôn giáo, hàng Phật tử cũng có trang phục riêng cho các giới cũng như mọi lứa tuổi. 

Từ thuở xa xưa, cách đây hơn hai nghìn năm khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, sau thời gian dài phát triển cùng dân tộc mỗi thời kỳ trang phục của Phật tử được cải tiến cho thích nghi với đời sống Tôn giáo.

Pháp phục Phật tử được xem là hình thức thể hiện thân giáo, đó là pháp tướng bên ngoài của người  Phật tử. Nói đến pháp phục của Phật tử, chúng ta thường đề cập đến pháp phục của nghi lễ và pháp phục thường nhật. 

 Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam bao gồm nhiều hệ phái, trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi muốn tìm hiểu rõ hơn về pháp phục của  Phật tử. Khi đời sống kinh tế phát triển thì thời trang luôn theo cùng với xu thế của thời cuộc, nhu cầu được mặc đẹp cũng đi vào đời sống Tôn giáo, các Phật tử ngày nay đi lễ chùa, hay đi làm công quả đều mặc trang phục theo thiết kế rất đa dạng và kiểu dáng đẹp dành cho Phật tử.

Màu sắc cho trang phục Phật tử có hai gam màu chủ đạo là nâu và lam, hiện nay do nhu cầu được mặc đẹp nên các nhà thiết kế đã thêm những gam màu khác như hồng, xám hay xanh .v.v

 Có rất nhiều mẫu thiết kế rất đẹp và không thể kém phần tôn nghiêm nơi cửa thiền, khi đi tới chùa mặc lên mình một bộ áo dài mầu lam hay nâu được thiết kế mềm mại có thêu hoa sen, hay các họa tiết gắn liền với đạo Phật luôn  tạo nên một phong cách tôn nghiêm nhưng lịch lãm và sang trọng.

Khi đi lễ chùa, cách ăn vận không chỉ là sở thích riêng, mà còn thể hiện văn hóa thẩm mỹ, văn hóa tâm linh và cả những mực thước về giới đức làm người và đạo đức của người phật tử. Cái tâm thức của Phật tử, hành giả, khách tham quan, đi lễ cũng thể hiện ngay cả ở cách ăn mặc thanh lịch và lời ăn tiếng nói. Có một câu ngạn ngữ đã dạy: “Trang phục che đậy được hình hài nhưng lại phơi bày được bản chất”.

 Phong thái đàng hoàng càng cho thấy hành giả đi lễ tôn kính với đức Phật. Ngày nay có nhiều bộ quần áo đi chùa được thiết kế khá lịch sự và đẹp mắt các bộ áo dài, áo cánh đồng bộ, áo cách tân v.v

Giáo lý Phật giáo có câu “Đi chùa đúng pháp, được phúc” để nói lên rằng đến chùa lễ phật rất cần tuân thủ đầy đủ những phép tắc của nhà Phật, có như vậy bạn mới mong có được phúc, được sự an lạc, thanh thản nơi tâm hồn. Bạn giữ được một phần trang nghiêm, thanh tịnh thì sẽ được mười phần phước báo.

Dù bạn là ai, nhưng khi đến chùa chiền thì bạn phải ăn vận cho thanh lịch và phù hợp với truyền thống văn hoá đạo Phật. Tâm và tướng phải tương ưng với nhau. Trang phục, hình dáng bên ngoài của hành giả đi lễ là thể hiện cái tâm thức của chính người đó, nếu tâm hồn thánh thiện và là con người cẩn trọng thành kính thì chúng ta phải thể hiện cả ở hình dáng bên ngoài lẫn tư lương bên trong. Nếu giữ gìn sự tôn nghiêm thành kính ở cả nơi tướng với tâm thì việc lễ bái mới vẹn toàn.

Đồng thời cách ăn vận thanh lịch giản dị cũng tạo lên sự hài hòa ở nơi không gian tâm linh thiêng liêng và hoà hợp với cả mọi người xung quanh.Để đảm bảo sự tôn nghiêm và thành kính và cũng để không ảnh hưởng đến những người đi lễ thành tâm khác phật tử khi lễ chùa nên mặc quần áo trang nhã, kín đáo hợp tầm vóc, nếu có điều kiện chúng ta nên sắm cho mình những bộ quần áo đi chùa cho phù hợp.

Giá cả cho một bộ trang phục đi lễ chùa cũng rất đa dạng và phong phú, có nhiều chủng loại mẫu mã cũng như chất liệu phù hợp cho mọi người mọi lứa tuổi.

Hiện nay, các chùa đều có quy định đối với Phật tử khi đi lễ hoặc tụng niệm phải mặc áo tràng màu lam hoặc nâu. Nếu thuận tiện mỗi phật tử hãy sắm riêng những bộ áo lam đi chùa, hoặc có thể may cùng một màu vải và kiểu áo theo quy định của đạo tràng…

Phật tử nên dùng những bộ áo tràng cho những buổi lễ trang trọng tại chùa

Với những vị chưa là Phật tử khi đến chùa nên sắm cho mình một bộ áo thời trang theo phong cách Phật tử hay mặc áo dài tay, đi khẽ nói nhẹ.

Cách ăn mặc đúng cách, phù hợp trong sinh hoạt Tôn giáo cũng là luôn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo. Qua đó, chúng ta gián tiếp giáo dục các thế hệ con cháu luôn nối liền mạch mạng trong các nghi lễ, càng nâng cao ý nghĩa và tôn vinh vẻ đẹp, sự duyên dáng, trang nhã, thanh thoát cho Phật tử tại gia và khách viếng Chùa.

Trọng Hải

Thiết kế website - phongmy.vn