Chùa Phước Thới: Hội thi ẩm thực chay ngày Tết

30/01/2020

Chiều mùng 5 tháng giêng (29/1/2020), chùa Phước Thới (thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) vừa tổ chức Hội thi ẩm thực chay ngày Tết với chủ đề “Tết sum vầy”.

Xuân về hoa nở ngát hương

Hãy cùng tìm đến tựa nương Pháp mầu

Luân hồi nhân quả tin sâu

Phước lành gắng tạo, giúp nhau tu hành.

Đây có thể xem là một trong những Hội thi thể hiện nét đẹp truyền thống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam mỗi độ xuân về. Qua đó, tình yêu thương của một cái Tết đoàn viên được nhân lên gấp bội; ý nghĩa của sự sum vầy khắn khít với nhau luôn được vun bồi, chung tay gắn bó, chan chứa ý nguyện tốt lành được thể hiện qua phần thi ẩm thực. Cụ thể như: Cách thức trình bày, hương vị và chọn món ăn chay phù hợp cho việc tiếp đãi, ứng xử giao tiếp, sức khỏe trong ngày xuân.

Giải nhất: Nhóm Cô Chơn Huệ Hiếu, giải nhì: Nhóm Cô Chơn Trí và đồng giải ba: Nhóm Cô Chơn Giác và Tình nguyện viên chùa Phước Thới.

Ảnh: Đại Đức Thích Huệ Chơn -Trụ Trì chùa Phước Thới và Sư cô Thích Nữ Liên Hiền – Trưởng Ban Hướng Thiện Đạo Làm Con trao giải cho các thí sinh đoạt giải.

Mặc khác, Hội thi còn nhấn mạnh giá trị của lòng từ bi, tạo phước lành, giúp cho mọi người có nhận định đúng đắn về ý nghĩa của ăn chay tránh tạo nghiệp sát và bảo vệ môi trường. Phật luôn xem trọng sinh mạng của chúng sanh bằng tâm bình đẳng, mỗi chúng ta và những loài hữu tình có cảm xúc và cảm giác tham sống, sợ đau khổ, sợ chết. Thế nhưng vì nhu cầu ăn uống, thích ăn ngon  nên chúng ta bị che lắp trí tuệ, thường sát sanh sát hại sinh vật, phạm giới cấm thứ nhất trong ngũ giới.

Ảnh: Toàn thể Hội thi Ẩm thực chay ngày Tết

Cố Hòa Thượng Thích Trí Tịnh có khuyến cáo: “ Chúng ta nên ăn chay, phóng sanh và không sát sanh bởi không có một vị Phật nào gây đau khổ cho chúng sanh ”. Do vậy, người đệ tử Phật luôn tâm nguyện và thực hành không giết hại chúng sanh. Chẳng những không giết hại mà còn phóng sinh, tích cực bảo vệ sự sống và môi trường xanh sạch. Vì thế, đạo Phật khuyến cáo nên ăn chay để ngưng nghiệp sát không rơi vào vòng vay trả sinh mạng lẫn nhau.

Với một tấm lòng biết yêu thương, cảm thông, chúng ta không dùng võ lực để giải quyết vấn đề, nghe tiếng kêu cứu của loài vật hằng ngày bằng xúc chạm, máu me, không sợ hãi. Ngày nay, tác hại sức khỏe của việc ăn thịt động vật như ô nhiễm môi trường từ các lò mổ thải ra cũng không phải nhỏ. Do vậy, chúng ta không nên giết hại mà còn tích cực bảo vệ sự sống và môi trường xanh sạch:

Ảnh: Ban Giám Khảo chụp hình lưu niệm với thí sinh tham dự Hội thi

“Xưa nay trong một bát canh

Oán sâu như bể hận thành non cao

Muốn hay nguồn binh đao

Lắng nghe lò mổ tiếng gào đêm thanh”.

Trong thực tế, chúng ta khó thực hiện hạnh lành một cách vẹn toàn, không tổn hại mạng chúng sanh khác, chúng ta thường xuyên rải tâm từ, thực hành ăn chay, thiền quán sâu sắc về duyên khởi để thấy mình và động vật không phải là hai, cũng cùng có Phật tánh như nhau, chỉ khác nhau về hình dạng.

Chính tâm từ và tuệ giác Duyên khởi sẽ giúp chúng ta thấy được sự thật chúng ta cần nương vào nhau để tồn tại, sống hài hoài với muôn vật và yêu thiên nhiên, bất cứ sự tàn sát hay tổn hại ở bên ngoài chính là tự hại mình. Chính khi tuệ giác nâng cao, chúng ta sẽ không làm tổn hại cho dù đó là loài vô tình. Chính Hội thi ẩm thực chay ngày Tết  đã khơi dậy và đánh thức lòng yêu thương trong tâm thức mỗi người.

Chúc cho thế giới được hòa bình

Đạo mầu soi sáng khắp hành tinh

Người luôn tin hiểu điều nhân quả

Để xuân mãi đến trọn ân tình.

Bài và ảnh: Liên Hiền – Minh Sơn

Thiết kế website - phongmy.vn